Các tỉnh phát triển ngành sữa

Lượng giá mô hình trồng bắp ủ chua làm thức ăn cho bò sữa

Củ Chi là huyện nông nghiệp trọng điểm của Tp.HCM, với diện tích trồng bắp hàng năm khá lớn, chủ yếu trồng vào vụ Đông - Xuân để gia công hạt bắp giống cho các công ty sản xuất giống, phần thân còn lại sau khi thu hoạch trái được nông dân chăn nuôi bò sữa tại địa phương sử dụng làm thức ăn cho bò sữa mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi.

  Để chuyển giao giống, kỹ thuật trồng bắp LCH9 và cách làm thức ăn ủ chua cây bắp cho bà con chăn nuôi đạt kết quả cao, Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi trực thuộc Trung tâm Khuyến nông thành phố đã tổ chức lượng giá mô hình trồng bắp lấy sinh khối ủ chua làm thức ăn cho bò sữa với 10 hộ tham gia (tại xã Thái Mỹ, An Nhơn Tây, Tân Phú Trung, Hòa Phú và xã An Phú) với 5 ha diện tích đất trồng.Tham dự buổi lượng giá có đại diện các phòng ban Trung tâm Khuyến nông thành phố, ông Dương Văn Minh – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, ông Nguyễn Văn Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Mỹ và hơn 20 nông dân nuôi bò sữa ở địa phương. 

 

    Kết quả cho thấy, giống bắp LCH9 có thời gian sinh trưởng phù hợp với mục đích chăn nuôi bò sữa, khoảng 75-85 ngày, phù hợp với các vụ Đông - Xuân, Hè - Thu, chiều cao cây trung bình 200cm, khả năng chống đổ tốt, chịu trồng dày, chịu hạn và sạch bệnh. Cây phát triển to khỏe, bộ lá xanh bền đến khi thu hoạch, trái to và đồng đều, kết hạt tốt, năng suất sinh khối đạt 34 tấn/ha.


     Sau gần 01 một năm triển khai mô hình (4/2015 – 3/2016), kết quả từ các hộ cho thấy lợi nhuận trồng bắp tính trên 1 ha đất thu được hơn 16 triệu đồng, trong thời gian 72-80 ngày, mỗi năm có thể trồng 3-4 vụ; Lợi nhuận từ việc ủ chua bắp tính trên 1ha  đạt gần 11 triệu đồng trong thời gian 20-30 ngày, có thể dự trữ thức ăn 2-3 tháng, tránh lãng phí thân cây bắp khi cho ăn tươi; Từ đó cho thấy chuỗi lợi nhuận khép kín từ trồng đến ủ chua bắp cho bò ăn thu được gần 50 triệu đồng/ha, mỗi năm trồng 3 vụ, lợi nhuận có thể gần 150 triệu đồng.


     Qua buổi lượng giá hầu hết các nông dân tham gia đều đánh giá cao kết quả mô hình mang lại. Qua đó, nông dân nuôi bò sữa ở địa phương sẽ áp dụng và tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới để tạo nguồn thức ăn thô xanh chất lượng cao, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận trong việc chăn nuôi bò sữa khi thị trường sữa đang xuống như hiện nay, đây cũng là một trong những giải pháp tốt để giúp nông dân ổn định nuôi bò sữa ở địa phương.

 

Minh Hiếu

 

Nguồn: khuyennongtphcm.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác