Các tỉnh phát triển ngành sữa

Phát triển trang trại bò sữa từ cây rau

Từ một lao động làm thuê, anh Nguyễn Hữu Tuấn (sinh năm 1972) đã không ngừng vượt khó, vươn lên nắm bắt cơ hội đột phá từ cây rau để phát triển mô hình trang trại hàng trăm con bò sữa chất lượng cao ở xã Lạc Xuân, Đơn Dương, mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

 Trồng rau và đi bán rau

 
Gần một phần tư thế kỷ định canh định cư trên đất Lạc Xuân, Đơn Dương, anh Nguyễn Hữu Tuấn đã và đang thực hành hiệu quả phương châm “lấy ngắn nuôi dài” trong sản xuất và kinh doanh nông sản. Nhớ hồi rời ghế nhà trường phổ thông từ quê Bắc miền Trung vào đây làm thuê, Tuấn tích cực thức khuya dậy sớm không chỉ vì kiếm tiền sinh sống, mà còn được cơ hội tiếp cận nghề trồng rau đang có nhiều triển vọng. “Cứ sau mỗi lứa thu hoạch cà chua, đậu cô ve, xà lách, hành tây…tập trung về các đầu mối thu mua trong thôn, trong xã trước khi chất đầy lên những chuyến xe phân phối ra thị trường, mình bỗng nghĩ đến giải pháp làm sao gắn kết lâu dài giữa người sản xuất và người tiêu thụ…”, Tuấn kể lại sau đó một thời gian đã tích góp đủ một khoản tiền trả trước 5 năm thuê 2.000m² đất trồng các loại rau ở thôn Giãn Dân, xã Lạc Xuân này.
 
Lứa thu hoạch cà chua đầu tiên năm ấy, Tuấn đóng thùng vài trăm ký đem về vùng quê Bắc miền Trung làm quà và bán chào hàng từ làng trên đến xóm dưới, may mắn được mọi người mua đều tấm tắc khen ngợi là vừa chất lượng ngon, vừa giá thành hợp lý. Được sự khuyến khích đặt hàng của các tiểu thương ở chợ xã, chợ huyện quê mình, Tuấn trở lại đất Lạc Xuân, Đơn Dương làm thêm “vai trò” thương lái thu mua rau bên cạnh nghề trồng rau mới ở giai đoạn tiếp cận, chuyển giao.    
 
Tuấn đưa sản phẩm cà chua ra đất Bắc tiêu thụ bằng cách gửi qua phương tiện xe khách vận chuyển 2 ngày 2 đêm mới đến nơi. Những chuyến hàng đầu tiên chưa có kinh nghiệm, đóng gói còn lỏng lẻo, thiếu các vật liệu đệm lót, nên trái cà chua đến được các khu chợ miền Bắc thường bị dập khoảng 50% khối lượng (trên tổng số khoảng 500kg/chuyến), nhưng vẫn tiêu thụ nhanh chóng nhờ giữ được độ tươi và giá cả cạnh tranh. Và qua kênh khách hàng quảng bá đến khách hàng, từ đầu những năm 2000 đến nay, thị trường tiêu thụ nông sản của Tuấn đã liên tục tạo ra bước ngoặt đột phá mở rộng đến các tỉnh, thành phía Bắc miền Trung đến thành phố Hà Nội và vùng Đông Bắc, đạt khối lượng rau tiêu thụ thấp nhất mỗi ngày đến 5 tấn, ngày cao nhất lên đến 10 tấn.
 
Không chỉ cung ứng mặt hàng cà chua mà còn thêm nhiều loại nông sản chủ lực khác của cao nguyên Đơn Dương, Lâm Đồng như: hành tây, cải bắp, bí, xà lách, ớt ngọt, bắp cải, đậu đỗ…Trong đó, chiếm 70% khối lượng nông sản thu mua của nông dân ở nhiều địa bàn thuộc huyện Đơn Dương; 30% khối lượng nông sản còn lại là của hộ gia đình Tuấn “tự sản, tự tiêu”. “Từ kết quả sản xuất, kinh doanh nông sản gặp nhiều cơ hội thuận lợi, từ năm 1992 đến nay, hộ gia đình chúng tôi đã lũy tiến nguồn vốn tự có để đầu tư mở rộng diện tích canh tác các loại rau lên hơn 14ha ở xã Lạc Xuân, Đơn Dương…” - Tuấn chia sẻ. 
 
Cơ giới hóa trang trại bò sữa
 
Nhằm khép kín mô hình cây - con chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Đơn Dương, bước sang năm 2014, nông gia - thương lái Nguyễn Hữu Tuấn quyết định dành 6.000m² đất nông nghiệp ở xã Lạc Xuân để xây dựng trang trại bò sữa. Thông qua doanh nghiệp Vinamilk, Tuấn mua về cùng lúc 106 con bò sữa hơn một năm tuổi với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng. Qua năm 2015 - tức sau một năm chăm nuôi bằng nguồn thức ăn bắp, cỏ… được sản xuất, chế biến tại chỗ, trang trại bò sữa của Tuấn (tên gọi hiện tại là trang trại bò sữa Tuấn Gấm) đã đạt 84/106 con cho sữa với năng suất từ 18 - 19 lít/con/ngày. Tỷ lệ 20% số bò còn lại chưa được thu hoạch sữa lúc này vì thực hiện không đúng kỹ thuật phối tinh khiến bò không đậu thai, hoặc việc nuôi nhốt trong từng khu vực chuồng trại thiếu các điều kiện an toàn, gây ra một vài tai nạn thường gặp đối với bò như va đập, té ngã gãy chân…
 
Đến thời điểm đầu tháng 5/2016, trang trại bò sữa Tuấn Gấm đã tăng đàn cơ học và sinh sản tự nhiên lên tổng cộng 250 con, trong đó có 110 con đang cho sữa, thu về lợi nhuận trung bình 2,5 - 3 triệu đồng/con/tháng. Để có kết quả này, trang trại đã bố trí các diện tích chuồng trại với mật độ nuôi nhốt phù hợp, đảm bảo thoáng khí, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ; đồng thời thực hiện chế độ ăn uống cho đàn bò có đầy đủ dinh dưỡng sản xuất sữa, kết hợp với việc tiêm phòng và chữa trị các loại bệnh đúng thuốc, đúng lịch quy định của ngành thú y thích ứng với diễn biến nhiệt độ, thời tiết trong ngày, trong tuần và trong tháng. Cụ thể, khối lượng thức ăn hàng ngày cho đàn bò sữa 250 con ở trang trại Tuấn Gấm gồm: 5 tấn cỏ voi tươi và 2 tấn bắp cây xanh băm nhỏ, khoảng 1,2 tấn bắp ủ chua. Tất cả nguồn nguyên liệu thức ăn cho đàn bò sữa đều được trang trại sản xuất luân canh với các loại rau thương phẩm trên diện tích khoảng 10ha với quy trình cơ giới hóa từ khâu làm đất, tưới nước, bón phân đến khâu thu hoạch và chế biến. 
 
Ước tính cơ ngơi trang trại 250 con bò sữa Tuấn Gấm rộng 6.000m² cộng với 14ha diện tích đất ở xã Lạc Xuân, Đơn Dương hiện đang có giá trị đến nhiều triệu USD. Đã có nhiều đoàn chuyên gia từ các nước Hà Lan, Mỹ, Canada, Nhật Bản… đến thăm trang trại bò sữa Tuấn Gấm và trao đổi những kỹ thuật chăn nuôi mới đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, trong dịp Tết Bính Thân vừa qua, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đã đến thăm, đánh giá cao về mô hình kinh tế trang trại bò sữa của chủ nhân Nguyễn Hữu Tuấn. Mục tiêu đến năm 2017, chủ nhân Nguyễn Hữu Tuấn tiếp tục tăng tổng đàn bò sữa lên khoảng 400 con, kết hợp với việc đầu tư mới thêm nhiều tỷ đồng để hoàn chỉnh dây chuyền vắt sữa tập trung tại trang trại. “Tiềm năng chăn nuôi bò sữa ở Đơn Dương và các vùng lân cận vẫn đang rất dồi dào. Bởi vậy, khi huy động được các nguồn vốn lớn, trang trại bò sữa Tuấn Gấm lại quyết định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh…” - Tuấn nói.
 
VĂN VIỆT
Nguồn: baolamdong.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác