Người tiêu dùng sữa

Người tiêu dùng có lợi?

Từ 1/3/2015, theo Nghị định 100/2014/NĐ-CP, các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi đều bị cấm quảng cáo...

Từ 1/3/2015, theo Nghị định 100/2014/NĐ-CP, các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi đều bị cấm quảng cáo, đồng nghĩa các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa trong quá trình kê khai giá sẽ phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi giá bán. Để đối phó, một số hãng sữa đã bắt đầu “tung chiêu” để lách.

 

Thay đổi bao bì, “chỉnh” độ tuổi

 

Lâu nay, chi phí quảng cáo luôn là cái cớ để hãng sữa neo giá cao, chiếm đến 20%, thậm chí 30% giá thành sản phẩm sữa. Vì thế, quy định cấm quảng cáo, loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi từ ngày 1/3/2015 được kỳ vọng là sẽ giúp giá bán của các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi có thể sẽ về đúng với giá trị thực. Song, thực tế cho tới nay, ngoài chuyện thay đổi bao bì, độ tuổi để “giữ giá”, thì giá các mặt hàng sữa khác tại các đại lý không hề giảm.

 

Người tiêu dùng có lợi?

Phụ huynh vẫn thấp thỏm chờ giá sữa sau ngày quy định có hiệu lực.

 

Khảo sát các cửa hàng sữa tại các tuyến phố lớn như: Hàng Buồm, Trần Xuân Soạn, Tây Sơn, Bạch Mai thì giá sữa so với thời điểm trước 1/3 không thay đổi, thậm chí một vài hãng sữa có khả năng sẽ tăng giá. “Tôi cứ căn theo báo giá của các hãng sữa thì chưa thấy hãng nào cắt giảm chi phí này” - một chủ hàng cho biết.

 

Người tiêu dùng vẫn đang lo lắng không biết sản phẩm sữa sẽ được quản lý giá như thế nào. Nhiều bà mẹ than thở rằng, nhà quản lý cấm quảng cáo để loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa, trong khi đó các hãng lại tìm cách thay đổi bao bì, phân chia lại độ tuổi để phù hợp với yêu cầu quản lý. Như trước đây, dòng sản phẩm Enfamil A+3 Brain Plus dành cho trẻ từ 1-3 tuổi, thì nay chỉ dành cho trẻ từ 1-2 tuổi. Còn nếu trẻ từ 3 tuổi trở lên sẽ chuyển sang dùng bước số 4.

 

Đối với các dòng sữa Enfamil 360 độ Brain Plus bước số 3 dành cho trẻ từ 1-3 tuổi, các đại lý đều báo hết hàng. Dễ dàng nhận thấy sản phẩm mới không hề có đột phá, khác biệt nào về công thức. Cơ bản, hàm lượng các thành phần không thay đổi hoặc có thay đổi không đáng kể.

Cùng với sự thay đổi độ tuổi, giá bán cũng cao hơn trước. Đơn cử, giá mỗi hộp sữa Enfamil A+3 Brain Plus dành cho trẻ từ 1-2 tuổi có giá bán hiện tại là 424.000 - 429.000 đồng/hộp 900g, thì giá trước đây loại này dành cho trẻ từ 1-3 tuổi giá chỉ là 370.000 - 380.000 đồng/hộp 900g tùy đại lý. Như vậy, sau khi thay đổi bao bì bằng cách phân chia lại độ tuổi dành cho trẻ em thì giá mỗi hộp sữa loại này đã đắt thêm khoảng 50.000 đồng/hộp.

 

Mỗi nơi một giá

 

Đặc biệt là hiện nay, đã có giá bán trần đối với tất cả các dòng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, nhưng giá bán lẻ thực tế tại mỗi cửa hàng, đại lý hay siêu thị cũng rất khác nhau khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo ngại không biết đâu là giá “chuẩn”. Đơn cử dòng sữa Similac (6-12 tháng) tại một cửa hàng ở Cầu Giấy, Hà Nội giá: 500.000đ/hộp 900g nhưng tại cửa hàng ở quận Từ Liêm giá: 494.000đ/hộp. Một số dòng sữa khác của Enfagrow, Enfamil... cũng có sự chênh lệch về giá bán lẻ.

 

Được biết, Cục  Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cũng có Công văn số 89 gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn, nhằm thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành niêm yết bán đối với các loại sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết, thời hạn các đơn vị kê khai giá là trước 15/4. Giá nguyên liệu sữa chào bán trên thị trường thế giới có biến động, nhưng giá nhập khẩu sữa về Việt Nam qua kê khai hải quan thì vẫn giữ ổn định. “Việc xác định tăng hay không thì căn cứ vào ngày 15/4 tới đây các doanh nghiệp kê khai giá mới biết được, còn đối với sản phẩm mới mà tăng giá thì họ cũng phải kê khai, khi kê khai nếu thấy bất thường chúng tôi sẽ quản lý, giám sát, không để ngoài vòng quản lý được”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết.

 

Cơ quan quản lý luôn đưa ra những tiêu chí nhằm bình ổn giá sữa nhưng các hãng cũng luôn “đổi thay” với từng bước đi cụ thể. Để người tiêu dùng không bị “móc túi” và cơ quan quản lý không bị “qua mặt”, thiết nghĩ cần đẩy mạnh việc giám sát, thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm. Tuyên truyền rộng rãi để làm gương cho các hãng khác.

 

Huy Lê

Nguồn: suckhoedoisong.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác