Quản lý chăn nuôi bò sữa
Cảnh báo từ việc lai tạo bò sữa không đúng phương pháp
1. Nhập nội bò sữa thuần chủng:
Theo hướng này thời gian tạo đàn nhanh, nhưng ít được bà con nông dân chấp nhận vì giá cao, khả năng chống chịu bệnh tật và tính thích nghi của bò với môi trường kém, năng suất sữa bấp bênh…
2. Bằng phương pháp lai tạo: Trước tiên là cho bò đực Zêbu phối với bò vàng Việt Nam để tạo bò cái nền lai zêbu. Sau đó dùng bò đực sữa phối với bò cái nền lai zêbu tạo con lai hướng sữa F1, từ bò F1 tiếp tục cho phối với tinh bò đực sữa để tạo con lai F2, F3. Hướng phát triển đúng này cần thời gian dài nhưng dễ áp dụng vì không phải đầu tư nhiều mà vẫn tạo được con lai có năng suất sữa cao, tầm vóc to, phàm ăn, khả năng chống chịu bệnh tật khá. Ta có thể tóm tắt công thức lai này như sau: Bước 1: Bò zêbu (đực) x bò (cái) vàng Việt Nam Bước 2: Bò sữa (đực) x bò lai zêbu (cái) Bước 3: Bò sữa đực x F1 (con lai hướng sữa) --> F2 Tuy nhiên trong thời gian từ giữa năm 2001 đến năm 2003, do nhu cầu về bò sữa trên thị trường tăng mạnh nên nhiều hộ dân ở các vùng Sơn Tây, Ba Vì (Hà Tây) muốn tạo nhanh đàn bò sữa để thu lợi nhuận cao đã “đốt cháy giai đoạn” bằng cách bỏ qua bước 1 và dùng bò đực sữa phối tắt với bò vàng Việt Nam: Bò sữa x bò vàng Việt Nam --> con lai Hậu quả của công thức lai này đã tạo ra những chú bê trong 4 tháng đầu có ngoại hình giống hệt với con lai đuợc tạo ra từ bò cái nền lai zêbu với bò đực sữa. Nhưng từ tháng thứ 5, thứ 6 trở đi bê càng lớn càng giống bò vàng Việt Nam về tầm vóc và ngoại hình chỉ có màu lông đen là giống bò lai hướng sữa. Đến khi trưởng thành loại bò này cho năng suất sữa rất thấp chỉ từ 8 – 10kg/ngày. Có con không vắt được sữa chỉ đủ cho bê bú. Nếu dùng bò này để thực hiện thao tác: Cày bừa, kéo xe… cũng không được; để nuôi thịt thì năng suất không cao do tầm vóc nhỏ, nếu bán giá lại rẻ hơn bò chuyên dụng. Mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo và tập huấn rất nhiều, nhưng một số hộ dân vẫn bất chấp các yêu cầu kỹ thuật tạo đàn bò sữa một cách tùy tiện để cuối cùng phải trả giá ngay cho việc làm của mình, đến khi hiểu ra đã quá muộn. Mong rằng bà con nông dân các nơi khác hãy lấy đó để rút kinh nghiệm cho mình.