Điểm nhấn nổi bật của Dự thảo sửa đổi là sẽ có 6 tên gọi về sữa dạng lỏng, bao gồm: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.
Trong đó, khái niệm “Sữa tiệt trùng” hiện hành sẽ sửa đổi thành sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.
Hội thảo có sự chủ trì của ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm; Ông Trần Mạnh Hùng – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng và ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam. |
Đây là tên gọi đã được các đại biểu thừa nhận là “gây nhầm lẫn giữa sữa bột và sữa tươi” khi bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại.
Việc sửa đổi tên gọi này sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn được đúng loại sữa nước theo nhu cầu của mình, đảm bảo quyền được thông tin và quyền được lựa chọn của người tiêu dùng.
Về khái niệm sữa tươi, tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng xin ý kiến các doanh nghiệp tham dự là có phân loại 2 loại sữa tươi ra thành sữa tươi nguyên chất (100% sữa tươi) và sữa tươi có bổ sung (có từ 90% sữa tươi, bổ sung thêm đường, dịch quả…).
Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH ủng hộ phương án này. Theo bà phải gọi đúng tên gọi, sữa tươi nguyên chất là sữa tươi 100%, còn sữa tươi có bổ sung các chất gì thì phải ghi rõ là sữa tươi có bổ sung các loại chất gì, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sữa tươi tối thiểu trong sản phẩm từ 95% trở lên.
“Chúng ta phải có lộ trình áp dụng theo các tiêu chuẩn của Codex để người tiêu dùng hiểu thế nào là sữa tươi, nên cần phải giữ lại khái niệm này”, bà Hương nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng: “Chúng ta phải phân rõ các khái niệm sữa tươi nguyên chất, sữa tươi có bổ sung một số chất khác và sữa hoàn nguyên, sữa pha lại để đảm bảo quyền được thông tin cho người tiêu dùng”.
Tại Hội thảo, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng cung cấp thông tin, trong năm 2015 ngành sữa tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng kỷ lục đạt 23%, từ tổng doanh thu 75.000 tỷ đồng năm 2014 lên 92.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD) vào năm 2015.
Trong số này, sữa bột chiếm 45% tổng doanh thu, sữa nước chiếm 30%, còn lại là các sản phẩm khác.
Như vậy, có thể nói ở Việt Nam hiện nay sữa đang là một thị trường béo bở, song rất tiếc, phần lớn lợi nhuận hiện nay lại rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Với việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, các đơn vị đầu tư sản xuất, chế biến sữa tươi, trong đó có nông dân sẽ “dễ thở” hơn và đặc biệt, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sữa nước sẽ được đảm bảo tối đa.